Bế mạc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019
Số lượt xem 551
Chiều 12/9/2019, tại thành phố Huế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Lễ bế mạc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019 và trao giải thưởng cho các tác giả các thiết bị đạt giải trong Hội thi. Tới dự Lễ Bế mạc có Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Ông Nguyễn Dung - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đại diện các Vụ, đơn vị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện các đơn vị của tỉnh Thừa Thiên - Huế và các đồng chí lãnh đạo Sở Lao động - Thuơng binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các nhà giáo, các tác giả của các thiết bị dự thi.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng và Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh trao giải nhất cho các cá nhân đạt giải
Các tác giả nhận Giải Nhất của Hội thi tại Lễ bế mạc
Báo cáo Tổng kết Hội thi, Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh nhấn mạnh Hội thi lần này đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp. Điều đó đã thể hiện tài năng sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và của các cơ quan quản lý. Sự đa dạng của thiết bị tự làm tại Hội thi năm nay đã một lần nữa chứng tỏ thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn đào tạo và nhu cầu thị trường lao động sản xuất, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Lễ Bế mạc Hội thi
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các thiết bị đem đến Hội thi toàn quốc lần thứ VI thực sự trở thành những phương tiện giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô giáo thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học. Việc tổ chức dạy trên các mô hình, thiết bị dàn trải của các tác giả, nhóm tác giả dự thi là sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học làm tăng tính trực quan, giúp nguời học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề, đồng thời gây hứng thú cho người dạy và người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy, điển hình như: “Mô hình thực hành hệ thống nhiệt lạnh, nhóm tác giả Nguyễn Văn Tuyến và các tác giả của trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc; Mô hình kho lạnh công nghiệp bảo quản thực phẩm ứng dụng cảnh báo qua GSM của tác giả Vũ Văn Minh, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Mô hình mạng doanh nghiệp thế hệ mới, tác giả Lê Hữu Bình và Nguyễn Đăng Khoa”
Phó Tổng Cục Trưởng Đỗ Năng Khánh, Trưởng Ban tổ chức Hội thi báo cáo tổng kết Hội thi
Hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điển hình như: “Mô hình sản xuất nhà thủy canh giá rẻ, nhóm tác giả Đặng Xuân Thọ, Nguyễn An Huấn, Lê Văn Bình, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum; Mô hình hệ thống cho gà uống thuốc tự động, tác giả Nguyễn Xuân Huỳnh của Trường Trung cấp Nông Nghiệp Thái Bình; Bộ mô hình cấu tạo kiến trúc công trình dân dụng của nhóm tác giả Lê Hồng Minh nhóm tác giả, Trường Cao đẳng Xây dựng số 1”
Các tác giả nhận Giải Nhì của Hội thi tại Lễ bế mạc
Hội thi lần này, nhiều tác giả đã quan tâm, chú trọng đến các yếu tố của quá trình phát triển bền vững như ”công nghệ xanh”, thân thiện với môi trường; tạo dựng môi trường sống thông minh sử dụng các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, như: “Mô hình thực hành chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời của nhóm tác giả Huỳnh Cảnh Thanh Lam và đồng tác giả Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ; Mô hình thực hành hệ thống nhiệt lạnh của tác giả Nguyễn Văn Tuyến, trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc; Mô hình kho lạnh công nghiệp bảo quản thực phẩm ứng dụng cảnh báo qua GSM; Mô hình mạng doanh nghiệp thế hệ mới...”.
Nhiều thiết bị đã thể hiện xu hướng "tích hợp" các thiết bị, các mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một "thiết bị" hay "mô hình", đây là xu thế phát triển thiết bị đào tạo trên thế giới. Xu hướng này đã làm tăng hiệu quả sử dụng của thiết bị, thông qua việc có thể áp dụng cho nhiều bài giảng khác nhau, nhiều mô đun khác nhau, nhiều nghề trên một ”mô hình” hay một ”thiết bị”, các thầy giáo, cô giáo đã sáng tạo không chỉ trong việc sản xuất thiết bị, mà còn sáng tạo cả trong việc vận dụng các phương pháp giảng dạy trên các phương tiện dạy học có tính linh hoạt cao. Điển hình như thiết bị: “Mô hình hệ thống tín hiệu hàng hải và máy lái kỹ thuật số, Tập thể Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng; Bộ thực hành cơ bản và nâng cao sử dụng vi điều khiển PIC18 F4520 và AT 89S52, "Chu Đức Khoan, Lê Văn Dũng,Vũ Trọng Trường, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Công nghệ; Mô hình hệ thống điện trên Ô tô có chức năng giám sát - hệ thống mạng CAN và cổng GATEWAY của tập thể tác giả Nguyễn Lương Tâm và đồng tác giả Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh”.
Điểm nổi bật là nhiều thiết bị tham dự Hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một "sản phẩm" theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường, như thiết bị: Mô hình dàn trải, mô phỏng lắp ráp máy tính của tác giả Phạm Thế Phong và Trương Anh Tuấn trường Trường CĐ Cơ giới – Thủy lợi; Mô hình điều khiển, giám sát các trạm cơ điện tử kết nối Profibus trên thiết bị Smart của tác giả Hoàng Tuấn Anh và Vũ Văn Quang Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa”
Các cá nhân đạt giải ba tại Hội thi
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đã biểu dương những nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo, trong việc thiết kế, chế tạo thiết bị đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Tổng Cục trưởng mong rằng, trong thời gian tới ngành giáo dục nghề nghiệp cùng với những trang thiết bị được đầu tư hiện đại; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải sử dụng phát huy hiệu quả thiết bị đào tạo đã có; tiếp thu, ứng dụng các thiết bị đào tạo tự làm đã mang đến Hội thi, đặc biệt các thiết bị đạt giải cao để đưa vào phục vụ công tác đào tạo. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo để làm ra các thiết bị đào tạo đáp ứng được yêu cầu của chương trình, bài giảng, gắn bó chặt chẽ với yêu cầu của thực tế sản xuất của các doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động để động viên, tôn vinh các tác giả đã đạt giải và phát huy, sử dụng thật tốt các thiết bị đào tạo tự làm có giá trị.
Tổng Cục trưởng đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chú trọng thúc đẩy phong trào sản xuất thiết bị đào tạo ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn, xem việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo là công việc thường xuyên, song hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh hưởng tích cực của Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019 không chỉ dừng lại ở các thành tích đạt được trong khuôn khổ Hội thi mà tiếp tục được phát huy, nhân rộng, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo trong cả nước.
Hội thi đã lựa chọn 30 thiết bị đạt giải Nhất (thuộc 4 nhóm ngành nghề: công nghệ thông tin; kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông; công nghệ kỹ thuật cơ khí; nghề tổng hợp), 45 thiết bị đạt giải Nhì, 75 thiết bị đạt giải Ba. Về giải toàn đoàn: Đoàn Hà Nội đạt giải nhất; các Đoàn: Tp Hồ Chí Minh, Vĩnh phúc đạt giải Nhì; các Đoàn: Hải Phòng; Nghệ An; Bắc Ninh; Đồng Nai; Cần Thơ; Thanh Hóa.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận cờ đăng cai Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII (2022)
Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm được tổ chức ba năm một lần, Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, năm 2022 sẽ diễn ra tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nguồn: Văn phòng Tổng Cục GDNN